Đầu năm 2001, anh Cao Minh Hồng (Giám đốc nhà ăn ở Khách sạn Thu Thủy, Cửa Lò) bảo với Nghè Nghệ là vào mùa đông, Cửa Lò vắng tanh, nếu ai muốn nghỉ miễn phí, anh tạo điều kiện. Thế là tôi khăn gói vào Cửa Lò một mình.Anh Hồng dắt tôi tới một ngôi nhà hai tầng ngay cạnh chân sóng và nói: “Căn nhà này có hơn chục phòng, anh ở phòng nào thì tùy!”.
Tôi chọn một căn phòng trên tầng hai hướng ra biển. Kế hoạch của tôi là không giao du với bất kỳ ai. Tôi dặn anh Hồng là không cho bạn bè, người quen biết là tôi ở Cửa Lò. Tôi không dùng điện thoại, không bật tivi.
Khoảng thời gian này đối với tôi, ngày và đêm không có ranh giới: mệt thì ngủ, đói thì đi ăn cơm bụi, thời gian còn lại thì viết, thỉnh thoảng đi dạo cho khuây khỏa.
Bãi biển sạch sẽ, vắng tanh, không một bóng người. Rất nhiều còng lên phơi nắng, thấy người, chúng vội chui xuống lỗ. Trẻ con, đứa nào cũng thích chơi còng, nhưng bắt được chúng không dễ. Nhưng với tôi, bắt còng dường như là một năng khiếu. Đơn giản, khi thấy còng chui xuống lỗ, tôi bẻ một cành phi lao nhỏ, dài, dẻo, thuôn xuống tận đáy. Sau đấy chỉ việc đào theo cành phi lao là bắt được còng.
Dường như ký ức tuổi thơ sống dậy, mỗi ngày tôi bắt khoảng hơn chục con còng, dùng chỉ buộc chúng lại, gom ở khoảng sân trước nhà. Thỉnh thoảng, tôi cho từng đôi “thượng đài” thi đấu. Loài còng “chiến đấu” hăng lắm, chúng nó có thể “tỷ thí”, cắn rụng càng, cụt mắt của nhau.
Thấy tôi chơi trò trẻ con như vậy, ai đi qua cũng lấy làm lạ. Không biết họ đồn thổi thế nào mà bọn trẻ con trong vùng cho rằng tôi là một tay dở người (tâm thần) thứ thiệt. Thấy tôi đi ăn cơm, chúng chạy theo sau, chỉ trỏ cho nhau và nói: “Ông dở người đó, nhưng giỏi lắm, bắt được rất nhiều còng”. Một hôm, anh Hồng tới thăm tôi, lũ trẻ con ngăn lại, nói: “Đừng vào, trong đó có ông dở người”.